Thứ trưởng Nguyễn Văn Công chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng
Tham dự Hội nghị, có đại diện lãnh đạo các Vụ tham mưu (Bộ GTVT): Vận tải, Tài chính, Pháp chế, Kết cấu hạ tầng, Khoa học công nghệ; đại diện các Bộ, ngành: Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch Đầu tư); Tổng cục Du lịch Việt Nam và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), các Hiệp hội: Cảng biển Việt Nam, Chủ tàu Việt Nam, Chủ hàng Việt Nam, Hoa tiêu hàng hải, Đại lý và môi giới hàng hải, Doanh nghiệp logistics, Chi hội Vận tải container; các Hiệp hội chủ tàu địa phương: Đoàn kết An Lư, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; Hãng tàu biển nước ngoài, Đại lý tàu biển; các doanh nghiệp: Cảng biển, Vận tải biển, Hoa tiêu, Lai dắt và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại cảng biển.
Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Thông báo số 251/TB-VPCP ngày 24/7/2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp của Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 01/7/2020, Hội nghị trực tuyến do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công chủ trì nhằm nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hàng hải; đề xuất các giải pháp tháo gỡ bất cập, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuận lợi, góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết, sau khi được ban hành, Thông tư số 54 đã giúp doanh nghiệp cảng biển có nguồn thu tốt hơn, tiến gần đến giá dịch vụ cảng biển trong khu vực. Song, Thông tư cũng bộc lộ một số bất cập nhất định, như giá dịch vụ cảng biển được điều chỉnh theo hướng tăng lên song vẫn cách xa mức giá trong khu vực và thế giới. Do đó, việc sửa đổi Thông tư này là một trong những vấn đề nóng đặt ra trong thời gian vừa qua. Liên quan đến các nội dung sửa đổi, Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam đã và đang lấy ý kiến từ phía các doanh nghiệp, Hiệp hội và cơ quan chuyên ngành có liên quan để hoàn thiện dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Điểm cầu Cục Hàng hải Việt Nam
Theo đó, Hội nghị trực tuyến tập trung một số nội dung chính, bao gồm: Báo cáo thực trạng, tình hình phát triển ngành hàng hải; Phát biểu, tham luận của một số doanh nghiệp và Hiệp hội; Đối thoại trực tiếp giữa đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành và doanh nghiệp tham dự Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thương - Phó phòng phụ trách Phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải đã trình bày các nội dung liên quan đến Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT ngày 14/11/2018 của Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, sử dụng cầu, bến, phao neo, bốc dỡ container cại cảng biển Việt Nam. Trong đó, tổng hợp ý kiến góp ý về khung giá dịch vụ sử dụng hoa tiêu hàng hải (khung giá hoa tiêu nội địa và quốc tế); khung giá dịch vụ sử dụng cầu bến, phao neo (đối với tàu thuyền hoạt động nội địa và quốc tế); khung giá dịch vụ container (khung giá dịch vụ bốc dỡ container XNK khu vực I, II, III; khu vực Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải và sà lan - bãi cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải) và khung giá dịch vụ tàu lai dắt.
Điểm cầu Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc
Theo đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cơ quan này nhất trí với các nội dung sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 54; tuy nhiên cần cân nhắc thời điểm ban hành do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, đại diện này cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ các nội dung; tăng cường công khai, minh bạch trong việc thực hiện giá và chế tài, hành vi vi phạm; cơ chế kiểm tra, giám sát lẫn nhau giữa các tổ chức, cá nhân có liên quan cũng như tăng cường vai trò vai trò quản lý Nhà nước.
Trong khuôn khổ của Hội nghị, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao đã cùng trao đổi, giải đáp trực tuyến về các thắc mắc và đề xuất, kiến nghị của đại diện Hiệp hội, doanh nghiệp tại ba điểm cầu đối với các nội dung liên quan đến các chính sách về: vận tải biển; cảng biển và hậu cầu sau cảng; dịch vụ hàng hải và logistics; thuế, giá, phí, lệ phí; hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh trong thời gian chống dịch Covid-19 cùng với một số khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành./.
Mặc dù chịu ảnh hưởng sâu rộng của dịch bệnh Covid-19 song, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển vẫn tăng; tốc độ tăng chậm hơn so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển 6 tháng năm 2020 đạt 339,1 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, hàng xuất khẩu đạt 84,9 triệu tấn, tăng 11% với cùng kỳ năm 2019. Hàng nhập khẩu đạt 108,1 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019. Hàng nội địa đạt 145,1 triệu tấn, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2019. Khối lượng hàng container thông qua cảng biển 6 tháng năm 2020 đạt 10,03 triệu TEUs, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, hàng xuất khẩu đạt 3,3 triệu TEUs, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2019. Hàng nhập khẩu đạt 3,2 triệu TEUs, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019. Hàng nội địa đạt 3,4 triệu TEUs, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2019.
|
Ngọc Hân