Toàn cảnh buổi làm việc
Đầu tư 15,2 nghìn tỷ đồng xây dựng cao tốc Bãi Vọt – Vũng Áng
Theo quy hoạch hệ thống giao thông quốc gia và dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam trên địa bàn Hà Tĩnh, đường bộ cao tốc phía Đông có tổng chiều dài 108 km, phía Tây (cao tốc Hồ Chí Minh) có chiều dài 32 km; đường sắt tốc độ cao 102,88 km, đường sắt quốc gia 75,23 km; hệ thống cảng biển: Sơn Dương, Vũng Áng, Xuân Hải và Cửa Sót.
Báo cáo tiền khả thi dự án đường bộ cao tốc cho biết, đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi có chiều dài 34 km, đoạn Hàm Nghi – Vũng Áng 54 km. Tổng mức đầu tư dự án hơn 15,2 nghìn tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng gần 9 nghìn tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 2,1 nghìn tỷ đồng, còn lại là chi phí thiết bị, tư vấn, quản lý và các chi phí khác.
Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang thông tin về Cảng Vũng Áng
Tại buổi làm việc, đại diện đơn vị tư vấn và lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ GTVT đã làm rõ thêm một số định hướng, kế hoạch phát triển hệ thống giao thông Hà Tĩnh. Đồng thời, nêu một số khó khăn, vướng mắc cần có sự phối hợp giữa địa phương với Bộ GTVT để quy hoạch phát triển giao thông sớm trở thành hiện thực, phát huy hiệu quả KT-XH, an ninh - quốc phòng của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Theo Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang, Cảng Vũng Áng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, tuy nhiên, việc đầu tư hạ tầng logicstics, nạo vét luồng lạch chưa được đồng bộ.
Hà Tĩnh cần phát huy tiềm năng, lợi thế cảng Vũng Áng
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cảm ơn sự phối hợp của tỉnh Hà Tĩnh trong việc giải phóng mặt bằng triển khai các dự án giao thông thời gian qua. Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, việc triển khai hệ thống đường bộ cao tốc đi qua địa bàn Hà Tĩnh có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển KT-XH của địa phương, kết nối phát triển với cả khu vực, cả nước.
Đối với dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam trên địa bàn Hà Tĩnh, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đề nghị tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với đơn vị tư vấn khảo sát kỹ hướng tuyến, đảm bảo hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các công trình văn hóa, tâm linh, di tích lịch sử, hồ đập thủy lợi, tiêu thoát lũ… khi thi công tuyến đường bộ cao tốc.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật phát biểu tại buổi làm việc
Đối với phát triển hệ thống cảng biển ở Hà Tĩnh, đặc biệt là cảng Vũng Áng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng, đây là tiềm năng, lợi thế rất lớn của Hà Tĩnh.
“Cảng Vũng Áng có độ sâu tự nhiên vào loại tốt nhất Việt Nam, có vị trí rất thuận lợi trong mạng lưới giao thông đường bộ với nước bạn Lào, vùng đông bắc Thái Lan và rất gần các tuyến đường hàng hải chính trong khu vực. Đây là những lợi thế mà Hà Tĩnh cần đẩy mạnh đầu tư, khai thác. Vì vậy, Hà Tĩnh cần sớm phê duyệt quy hoạch logistics, kêu gọi đầu tư xây dựng các cầu cảng; quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nạo vét luồng lạch” - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nhấn mạnh.
Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông là một trong những khâu đột phá
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cảm ơn Bộ GTVT trong thời gian qua đã luôn quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ Hà Tĩnh trên các lĩnh vực, đặc biệt trên lĩnh vực hạ tầng giao thông – yếu tố hết sức quan trọng để phát triển.
“Hà Tĩnh xác định phát triển KKT Vũng Áng là động lực, là trọng điểm. Hà Tĩnh cũng xác định đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, chú trọng hạ tầng giao thông kết nối các khu kinh tế, không gian đô thị của tỉnh với các vùng, miền trong nước, với Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan là một trong những khâu đột phá” – Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền là rất lớn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, về phía tỉnh sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo, bám sát hơn nữa, đồng thời cũng mong muốn Bộ GTVT tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tư vấn giúp tỉnh về hồ sơ, thủ tục, kỹ thuật; đề xuất Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn đối với một số dự án hạ tầng quan trọng trên địa bàn.
Về triển khai dự án đường bộ cao tốc Bãi Vọt – Vũng Áng, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các sở, ngành liên quan phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát, xác định kỹ hướng tuyến, bố trí vị trí nút giao, cầu vượt dân sinh… đảm bảo hạn chế tối đa ảnh hưởng đến công trình văn hóa, tâm linh, di tích lịch sử, hồ đập thủy lợi, tiêu thoát lũ… Việc bố trí xây dựng số làn đường có thể theo từng giai đoạn; tuy nhiên, việc quy hoạch, giải phóng mặt bằng phải đảm bảo cùng lúc, ở mức cao nhất./.
Nguồn: Báo Hà Tĩnh